(Chinhphu.vn) – Từ ngày 22/7/2021, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ công bố và vận hành ĐƯỜNG DÂY NÓNG TRỰC TUYẾN hỗ trợ người dân gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng ĐỀ NGHỊ người dân gặp khó khăn, vướng mắc cấp thiết và các vấn đề phát sinh trong quá trình tiếp cận và thụ hưởng chính sách hỗ trợ, gửi phản ánh, kiến nghị đến Cổng Thông tin điện tử Chính phủ qua các hình thức:
- Gửi email tới địa chỉ: thongtinchinhphu@chinhphu.vn
-
Nhắn qua mục Email của fanpage Thông tin Chính phủ trên Facebook tại địa chỉ:
https://www.facebook.com/thongtinchinhphu -
Điền và gửi thông tin theo mẫu.
LƯU Ý: Nêu rõ nội dung kiến nghị, số điện thoại và địa chỉ nơi cư trú.
KHUYẾN KHÍCH phản ánh, kiến nghị giúp những người không thể thực hiện các hình thức liên hệ nêu trên. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị kịp thời chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
12 CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG GẶP KHÓ KHĂN DO COVID-19
(Theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ)
-
Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
-
Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất
-
Hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động
-
Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1/5/2021 đến hết 31/12/2021
-
Hỗ trợ người lao động ngừng việc
-
Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động
-
Chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em
-
Hỗ trợ tiền ăn đối với F0 và F1
-
Hỗ trợ một lần 3.710.000đ đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ, hướng dẫn viên du lịch
-
Hỗ trợ hộ kinh doanh 3.000.000đ/hộ từ ngày 1/5/2021 đến hết 31/12/2021
-
Hỗ trợ cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất
-
Hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác
Hỏi đáp | Tin tức
-
Lê Thị Hoa
-24/08/2021 09:51
Đồng Nai: Làm những công việc nào thì được hỗ trợ?
Gia đình tôi có hai con nhỏ, vợ chồng tôi đều thất nghiệp không có thu nhập. Vậy tôi có được nhận hỗ trợ từ Nhà nước không?Trả lời
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai trả lời vấn đề này như sau:
Căn cứ Quyết định số 2379/QĐ-UBND ngày 12/7/2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai theo quy định tại Khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ, đối tượng là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 1.500.000 đồng/tháng đối với khu vực nông thôn và 2.000.000 đồng/tháng đối với khu việc thành thị mà làm các công việc sau:
- Thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa.
- Lái xe mô tô 02 bánh chở khách (xe ôm), lái xe công nghệ 02 bánh.
- Bán vé số lưu động, bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định.
- Lao động giúp việc gia đình, lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non.
- Tự làm hoặc lao động làm việc trong các lĩnh vực: Ăn uống, lưu trú, du lịch, cơ sở làm đẹp (cắt- uốn tóc, nail); lao động làm công việc tại các cơ sở dịch vụ phải tạm dừng theo hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh từ ngày 1/5/2021, gồm: Karaoke, quán bar, vũ trường, phòng trà, rạp chiếu phim, cơ sở massage, xông hơi, điểm kinh doanh trò chơi điện tử, phòng tập Gym, fitness, billards, yoga.
Do bà không cung cấp cụ thể công việc bà làm trước khi thất nghiệp nên không có cơ sở để xác định bà có thuộc nhóm đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định số 2379/QĐ-UBND ngày 12/7/2021 của UBND tỉnh hay không.
Đề nghị bà đối chiếu với các công việc nêu trên với công việc bà đã làm trước khi bị mất việc làm để xác định có thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định số 2379/QĐ-UBND ngày 12/7/2021 của UBND tỉnh hay không.
Để kịp thời được hỗ trợ (nếu có) bà liên hệ với UBND phường Long Bình Tân, TP. Biên Hòa để được hướng dẫn, hỗ trợ.
-
Nguyễn Việt Anh
-24/08/2021 09:50
Hà Nội: Làm nghề chạy xe ôm được hưởng gói hỗ trợ
Tôi làm lao động tự do, chạy xe ôm. Bắt đầu từ khi dịch bùng phát trở lại, tôi đã không chạy xe nữa. Tôi bị mắc bệnh ung thư phổi di căn hạch, đang phải điều trị và không dám chạy xe, vì không bảo đảm cho người bệnh tật như tôi. Hiện tại gia đình tôi rất khó khăn. Xin Nhà nước hỗ trợ, giúp đỡ tôi.Trả lời
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:
Căn cứ Điều 5 Quyết định số 3642/QĐ-UBND của UBND Thành phố quy định về đối tượng, điều kiện được hỗ trợ là lao động tự do làm việc trong các ngành nghề bị mất việc làm do phải tạm dừng hoạt động theo các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố.
Trường hợp của ông Nguyễn Việt Anh thuộc diện được hưởng gói hỗ trợ, đề nghị ông lập làm hồ sơ theo phụ lục và mẫu số 01, số 02 ban hành kèm theo Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 và liên hệ với xã, phường, tổ dân phố để được giải quyết.
-
Nguyễn Thị Mỹ Trinh
-24/08/2021 09:48
Bến Tre: Đề xuất bổ sung nghề đi ghe thuê được hỗ trợ
Bố tôi là trụ cột gia đình. Bố tôi làm thuê, làm mướn, đi ghe mướn và bốc vác hàng hóa. Do ảnh hưởng dịch bệnh nên từ ngày 1/5/2021 đến nay bố tôi nghỉ làm. Tôi được biết Chính phủ có chính sách hỗ trợ người lao động tự do, nhưng ở xã thông báo gia đình tôi không thuộc đối tượng được hỗ trợ. Xin hỏi, trường hợp của gia đình tôi có được hỗ trợ không? Nếu được hỗ trợ thì cần những giấy tờ gì?Trả lời
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre trả lời vấn đề này như sau:
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị UBND xã An Thạnh rà soát trường hợp phản ánh của bà Nguyễn Thị Mỹ Trinh, kết quả, trường hợp cha của bà là ông Nguyễn Văn Quốc, sinh năm 1965, đăng ký thường trú tại địa phương, là người làm thuê cho chủ ghe đi chở hàng thuê (đi ghe thuê).
Ngày 13/8/2021, UBND tỉnh Bến Tre ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND quy định việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh (cụ thể hóa quy định tại Khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ).
Qua đối chiếu, công việc cha của bà Trinh đang làm chưa nằm trong nhóm công việc, lĩnh vực thuộc đối tượng hỗ trợ theo Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND nói trên nên chưa được hỗ trợ theo quy định.
Theo ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh về Sơ kết giai đoạn II thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg tại Văn bản số 2934/CV-BCĐ ngày 18/8/2021, yêu cầu rà soát các đối tượng hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, tiếp tục đề xuất bổ sung những đối tượng mới để bảo đảm chăm lo tốt cho người dân; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Văn bản số 2323/SLĐTBXH-LĐ&GDNN ngày 20/8/2021 đề nghị các sở, ban ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố rà soát, nắm tình hình đời sống người dân, người lao động trên địa bàn tỉnh có hoàn cảnh thật sự khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 chưa có quy định hỗ trợ để Sở tổng hợp, trình tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định.
UBND xã An Thạnh cũng đã có liên hệ với bà Trinh, ghi nhận ý kiến của bà, sẽ kiến nghị cấp trên bổ sung công việc đi ghe thuê vào nhóm công việc được hỗ trợ theo Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
-
Nguyễn Thùy
-23/08/2021 16:45
Hướng dẫn bà Nguyễn Thùy về hưởng hỗ trợ khó khăn do COVID-19
Tôi ở nhà thuê, có con nhỏ 2,5 tuổi, làm phụ bếp ở trường mầm non, hiện phải tạm nghỉ do dịch. Tôi đã làm đơn đề nghị được hỗ trợ khó khăn do COVID-19, nhưng khi chủ nhà trọ đi nộp thì cơ quan có thẩm quyền không nhận hồ sơ của tôi. Tôi được biết Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người lao động đang phải nghỉ việc do dịch COVID-19. Đề nghị cơ quan chức năng giải thích việc tôi nghỉ làm đã 2 tháng mà không xin được hưởng trợ cấp.Trả lời
Do câu hỏi của bà Thùy không đầy đủ thông tin nên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Trường hợp người lao động có giao kết hợp đồng lao động và tham gia BHXH: Tại Điều 13 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 có quy định về chính sách hỗ trợ đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương:
Điều 13. Đối tượng, điều kiện hỗ trợ
Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục) phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 được hỗ trợ khi đủ các điều kiện sau:
- Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021.
- Đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.
Điều 14. Mức hỗ trợ và phương thức chi trả
Mức hỗ trợ: 1.855.000 đồng/người đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 01 tháng (30 ngày); 3.710.000 đồng/người đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng (30 ngày) trở lên.
Người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người. Người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi thì được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 06 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em.
Phương thức chi trả: Trả 01 lần cho người lao động.
Điều 15. Hồ sơ đề nghị
- Bản sao văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.
- Danh sách người lao động có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.
Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu một trong các giấy tờ sau: Giấy tờ chứng minh người lao động đang mang thai; Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của trẻ em; Giấy chứng nhận nuôi con nuôi; Quyết định giao, nhận chăm sóc thay thế trẻ em của cơ quan có thẩm quyền đối với đối tượng được quy định tại khoản 2 Điều 14 Quyết định này.
Điều 16. Trình tự, thủ tục thực hiện
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội. Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận việc tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục gửi hồ sơ theo quy định tại Điều 15 Quyết định này đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt trụ sở chính. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2022.
- Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Danh sách và kinh phí hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ. Trường hợp không phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Đề nghị bà Thùy căn cứ những quy định trên, nếu thuộc đối tượng và đủ điều kiện được hỗ trợ thì thông báo đến người sử dụng lao động tiến hành hoàn thiện hồ sơ, thực hiện thủ tục theo quy định tại Điều 15, 16 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ để được hỗ trợ.
- Trường hợp người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do): Tại Điểm 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 quy định: Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác: Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.
Vì vậy, bà Thùy nếu thuộc đối tượng lao động tự do gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 có nhu cầu hỗ trợ cần liên hệ chính quyền địa phương để được hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền.
-
Vũ Phạm Hương Hạ
-23/08/2021 14:48
Lao động tạm hoãn hợp đồng, nhận trợ cấp tại đâu?
Tôi là tiếp viên hàng không đang trong giai đoạn tạm hoãn hợp đồng với hãng từ ngày 12/3/2021. Xin hỏi, tôi phải đến đâu để được nhận trợ cấp?Trả lời
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Tại Điều 13 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 có quy định về chính sách hỗ trợ đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương:
Điều 13. Đối tượng, điều kiện hỗ trợ: Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục) phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 được hỗ trợ khi đủ các điều kiện sau:
- Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021.
- Đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.
Điều 14. Mức hỗ trợ và phương thức chi trả:
Mức hỗ trợ: 1.855.000 đồng/người đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 01 tháng (30 ngày); 3.710.000 đồng/người đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng (30 ngày) trở lên. Người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi thì được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 06 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em.
Phương thức chi trả: Trả 01 lần cho người lao động.
Điều 15. Hồ sơ đề nghị
- Bản sao văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.
- Danh sách người lao động có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.
- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu một trong các giấy tờ sau: Giấy tờ chứng minh người lao động đang mang thai; Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của trẻ em; Giấy chứng nhận nuôi con nuôi; Quyết định giao, nhận chăm sóc thay thế trẻ em của cơ quan có thẩm quyền đối với đối tượng được quy định tại khoản 2 Điều 14 Quyết định này.
Điều 16. Trình tự, thủ tục thực hiện
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận người lao động đang tham gia BHXH. Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan Bảo hiểm xã hội xác nhận việc tham gia BHXH của người lao động.
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục gửi hồ sơ theo quy định tại Điều 15 Quyết định này đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt trụ sở chính. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2022.
- Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Danh sách và kinh phí hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ. Trường hợp không phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Đề nghị bà Hạ căn cứ những quy định trên, nếu thuộc đối tượng và đủ điều kiện được hỗ trợ thì thông báo đến người sử dụng lao động tiến hành hoàn thiện hồ sơ, thực hiện thủ tục theo quy định tại Điều 15, 16 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ để được hỗ trợ.
-
Dương Duy Phương
-23/08/2021 12:03
Ông Dương Duy Phương không đủ điều kiện nhận hỗ trợ do ngừng việc
Gia đình tôi mở công ty du lịch từ năm 1995, 2 năm nay phải đóng cửa do dịch COVID-19. Tôi và gia đình đều chưa nhận được bất cứ hỗ trợ nào từ Nhà nước, kể cả từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của đợt 1. Tôi có hợp đồng lao động và đóng BHXH đầy đủ, công ty của gia đình tôi tạm ngưng hoạt động đã 2 năm nhưng điều kiện hỗ trợ lại ghi là người lao động ngưng việc từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021, như vậy thì tôi không được hỗ trợ có đúng không? Tại sao những người lao động và hộ kinh doanh như tôi và gia đình tôi rất khó khăn nhưng vẫn chưa nhận được hỗ trợ?Trả lời
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Đối với doanh nghiệp của gia đình ông: Đề nghị doanh nghiệp đối chiếu các quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, nếu thuộc đối tượng và đủ điều kiện được hỗ trợ thì tiến hành hoàn thiện hồ sơ, thực hiện thủ tục theo quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ để được hỗ trợ.
Đối với trường hợp của ông: Tại Điều 17 đến Điều 20 thuộc Chương V của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 có quy định về điều kiện hỗ trợ đối với người lao động ngừng việc:
Điều 17. Đối tượng, điều kiện hỗ trợ
Người lao động được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: Làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng trước liền kề tháng người lao động ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động.
Vì vậy, căn cứ thông tin ông cung cấp, ông không đủ điều kiện hưởng hỗ trợ theo Điều 17 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/07/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, tại Điểm 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 quy định: Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác: Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.
Vì vậy, trường hợp của ông hoặc các công dân thuộc đối tượng lao động tự do gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 cần liên hệ chính quyền địa phương để được hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền.
-
Châu Phát
-23/08/2021 12:00
Trong Bộ luật Lao động không có quy định về hợp đồng cộng tác viên
Tôi xin hỏi, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 hướng dẫn viên du lịch có được hỗ trợ không? Tôi được biết, một trong những thành phần hồ sơ gửi là bản sao hợp đồng lao động, vậy hợp đồng cộng tác thì có được nhận hỗ trợ không?Trả lời
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Tại Điều 31 đến Điều 34 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 có quy định về chính sách hỗ trợ đối với hướng dẫn viên du lịch, cụ thể:
Điều 31. Đối tượng, điều kiện hỗ trợ: Hướng dẫn viên du lịch được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:
- Có thẻ hướng dẫn viên du lịch theo quy định của Luật Du lịch.
- Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa; có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm.
Điều 32. Mức hỗ trợ và phương thức chi trả
- Mức hỗ trợ: 3.710.000 đồng/người.
- Phương thức chi trả: Trả 1 lần cho người lao động.
- Đề nghị hỗ trợ theo Mẫu số 10 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này;
- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ sau đây: Bản sao hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch có hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến thời điểm nộp hồ sơ; Thẻ hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch.
Điều 34. Trình tự, thủ tục thực hiện
- Hướng dẫn viên du lịch có nhu cầu hỗ trợ gửi hồ sơ đề nghị đến Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch (sau đây gọi chung là cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh) nơi cấp thẻ cho hướng dẫn viên du lịch. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2022.
- Trong 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị hỗ trợ, cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định, lập danh sách đề nghị hỗ trợ trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
- Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ của cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ, đồng thời chỉ đạo thực hiện hỗ trợ. Trường hợp không phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 thì Hợp đồng lao động bao gồm hai loại Hợp đồng lao động có thời hạn và Hợp đồng lao động không xác định thời hạn, không có quy định về hợp đồng cộng tác viên.
-
Lê Nguyên Đức
-23/08/2021 11:58
Đà Nẵng: Trường hợp nào trên 80 tuổi được hỗ trợ 1.000.000 đồng?
Tôi được biết Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, nhưng tại địa phương tôi thì trả lời, chỉ hỗ trợ cho người già cô đơn, người khuyết tật nặng và trẻ em mồ côi, còn đối tượng bảo trợ xã hội thuộc nhóm trên 80 tuổi không được hỗ trợ. Tôi xin hỏi, như vậy có đúng không?Trả lời
Về vấn đề này, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng trả lời như sau:
Theo Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 19/7/2021 của UBND thành phố Đà Nẵng về triển khai hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 năm 2021, trong đó có hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, cụ thể như sau:
- Người cao tuổi cô đơn (Người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên thuộc hộ nghèo, cận nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng).
- Người khuyết tật đặc biệt nặng
- Trẻ em mồ côi đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng
- Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố (kể cả còn sức lao động và không còn sức lao động)
Như vậy, trường hợp đối tượng bảo trợ xã hội thuộc nhóm trên 80 tuổi trở lên mà thuộc đối tượng quy định tại điểm 1 nêu trên thì được hưởng 1.000.000 đồng/người/lần, còn lại thì không thuộc nhóm được hỗ trợ.