(Chinhphu.vn) – Từ ngày 22/7/2021, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ công bố và vận hành ĐƯỜNG DÂY NÓNG TRỰC TUYẾN hỗ trợ người dân gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng ĐỀ NGHỊ người dân gặp khó khăn, vướng mắc cấp thiết và các vấn đề phát sinh trong quá trình tiếp cận và thụ hưởng chính sách hỗ trợ, gửi phản ánh, kiến nghị đến Cổng Thông tin điện tử Chính phủ qua các hình thức:
- Gửi email tới địa chỉ: thongtinchinhphu@chinhphu.vn
-
Nhắn qua mục Email của fanpage Thông tin Chính phủ trên Facebook tại địa chỉ:
https://www.facebook.com/thongtinchinhphu -
Điền và gửi thông tin theo mẫu.
LƯU Ý: Nêu rõ nội dung kiến nghị, số điện thoại và địa chỉ nơi cư trú.
KHUYẾN KHÍCH phản ánh, kiến nghị giúp những người không thể thực hiện các hình thức liên hệ nêu trên. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị kịp thời chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
12 CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG GẶP KHÓ KHĂN DO COVID-19
(Theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ)
-
Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
-
Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất
-
Hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động
-
Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1/5/2021 đến hết 31/12/2021
-
Hỗ trợ người lao động ngừng việc
-
Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động
-
Chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em
-
Hỗ trợ tiền ăn đối với F0 và F1
-
Hỗ trợ một lần 3.710.000đ đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ, hướng dẫn viên du lịch
-
Hỗ trợ hộ kinh doanh 3.000.000đ/hộ từ ngày 1/5/2021 đến hết 31/12/2021
-
Hỗ trợ cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất
-
Hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác
Hỏi đáp | Tin tức
-
Phạm Tất Hòa
-13/12/2021 10:18
Gia đình ông Phạm Tất Hòa có 3 người thuộc diện nhận hỗ trợ
Cả gia đình tôi đều làm tự do. Do ảnh hưởng dịch COVID-19, gia đình không đi làm được, hoàn cảnh rất khó khăn nhưng vẫn không được hỗ trợ. Đề nghị chính quyền xem xét, hỗ trợ cho gia đình tôi.Trả lời
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre trả lời vấn đề này như sau:
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề nghị UBND xã Hưng Nhượng rà soát trường hợp phản ánh của ông Phạm Tất Hòa. Kết quả, trường hợp của gia đình ông Hòa có các thành viên như sau:
Cha của ông Hòa tự trồng khoai mì tại nhà;
Mẹ của ông Hòa bán khoai mì tại chợ;
Hai người anh của ông Hòa, một người đi làm hồ ở TPHCM, một người sửa xe (làm thuê cho hộ kinh doanh ở TPHCM) hiện tại đều đã nghỉ việc trở về địa phương;
Ông Phạm Tất Hòa đi làm hồ ở TPHCM hiện tại đã nghỉ việc trở về địa phương;
Vợ của ông Hòa đang mang thai.
Trường hợp cha của ông Hòa làm công việc tự trồng khai mì tại nhà, vợ của ông Hòa đang mang thai chưa thuộc nhóm công việc, lĩnh vực được hỗ trợ theo Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND ngày 13/8/2021 của UBND tỉnh Bến Tre về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Trường hợp anh của ông Hòa và ông Phạm Tất Hòa làm công việc “thợ hồ” thuộc nhóm công việc, lĩnh vực được hỗ trợ theo Khoản 4 Điều 2 Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND. Hiện tại, 2 ông đã nộp đơn đề nghị hỗ trợ về xã và đã được UBND xã Hưng Nhượng tiếp nhận để xét duyệt.
Trường hợp anh của ông Hòa làm thuê trong lĩnh vực “sửa xe” thuộc nhóm công việc, lĩnh vực được hỗ trợ theo Khoản 4 Điều 2 Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND ngày 13/8/2021, tuy nhiên anh của ông Hòa chưa nộp đơn đề nghị hỗ trợ về xã. Cán bộ chuyên môn đã có giải thích, hướng dẫn gia đình về thủ tục, hồ sơ để đề nghị hỗ trợ.
Trường hợp mẹ của ông Hòa buôn bán khoai mì ở chợ có địa điểm cố định nên chưa thuộc đối tượng hỗ trợ theo Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bến Tre đang trình UBND tỉnh dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung đối tượng hỗ trợ theo Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND, trong đó có đề nghị bổ sung “người lao động bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ có địa điểm cố định hoặc không có địa điểm cố định”. Khi quyết định ký ban hành sẽ thông báo rộng rãi cho người dân biết để kê khai theo quy định. Khi đó, đề nghị mẹ của ông Hòa liên hệ với UBND xã Hưng Nhượng để được hướng dẫn cụ thể.
-
Phạm Ngọc Hải
-13/12/2021 10:17
Bến Tre: Lao động tự do không cần phải xin xác nhận của nơi thường trú
Tôi xin hỏi, muốn nhận tiền hỗ trợ thì phải về địa phương thường trú xác nhận như vậy có vô lý không? Hiện giờ khó khăn cần được hỗ trợ thì thủ tục hành chính nhiêu khê.Trả lời
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre trả lời vấn đề này như sau:
Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 có thể đề nghị hỗ trợ tại địa phương nơi thường trú hoặc địa phương nơi tạm trú để làm việc.
Ngày 16/8/2021 Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre ban hành Văn bản số 2270/SLĐTBXH-LĐ&GDNN hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND ngày 13/8/2021 của UBND tỉnh Bến Tre, tại Điểm 6 của Văn bản nói trên hướng dẫn hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện việc hỗ trợ không có yêu cầu xác nhận của nơi thường trú (đối với những người lao động đăng ký hỗ trợ tại địa phương nơi tạm trú để làm việc).
Theo mẫu đơn đề nghị hỗ trợ, người lao động đã cam đoan nội dung kê khai trong đơn là đúng, chưa làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ tại địa phương khác và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu ghi sai về nội dung trong đơn đề nghị. Trong trường hợp nếu có phát hiện người kê khai gian dối và đã thực hiện hỗ trợ thì sẽ thu hồi kinh phí hỗ trợ và áp dụng các trách nhiệm pháp lý có liên quan đối với họ.
Do đó, người lao động tự do đang làm việc tại nơi tạm trú vẫn có thể làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ mà không cần phải có xác nhận của địa phương nơi thường trú.
-
Nguyễn Xuân Qui
-13/12/2021 10:16
Cho thuê karaoke lưu động có phải nghề được hỗ trợ?
Tôi là cho thuê karaoke lưu động và chỉ có thu nhập từ công việc này. Do dịch bệnh, tôi phải ngừng hoạt động. Tôi được biết, những ngành nghề nào không có ký kết hợp đồng thì được hỗ trợ, vậy sao nghề của tôi lại không được?Trả lời
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh trả lời vấn đề này như sau:
Thực hiện Khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, UBND tỉnh Trà Vinh ban hành Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 13/7/2021 và Công văn số 4017/UBND-KT ngày 9/9/2021, đã xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác để hỗ trợ chính sách. Trong đó có quy định về nguyên tắc, điều kiện hỗ trợ như sau:
“- Là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh (trường hợp tạm trú phải có đăng ký tạm trú được cơ quan công an xác nhận);
- Thu nhập chính bằng nghề lao động tự do;
- Bị mất việc làm, mất thu nhập;
- Đang gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch COVID-19;
- Do phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của UBND tỉnh để phòng, chống dịch COVID-19 từ 14 ngày trở lên.
* Đối với các nhóm lao động tự do khác, lao động là người Trà Vinh từ địa phương khác về (nếu có phát sinh). Giao UBND cấp xã trình UBND cấp huyện xin ý kiến xem xét tự bổ sung và tự chịu trách nhiệm với kết quả của mình, nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc và điều kiện nêu trên. Phải đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch; nghiêm cấm việc lợi dụng và trục lợi chính sách dưới mọi hình thức”
Do đó, trường hợp của ông Nguyễn Xuân Qui để được xem xét giải quyết hỗ trợ chính sách theo Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 13/7/2021 của UBND tỉnh, đề nghị ông liên hệ với UBND xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè.
-
Nguyễn Văn Thường
-13/12/2021 10:15
Bến Tre: Đã đề nghị bổ sung công việc bồi mương thuê vào diện hỗ trợ
Gia đình tôi có 4 người, có nuôi con nhỏ 3 tuổi và 5 tuổi. Tôi làm tự do, ai thuê gì tôi cũng làm, trong đó có phụ hồ. Tôi không có việc do giãn cách xã hội. Tôi có làm đơn xin được hỗ trợ mà cũng không thấy ấp, xã trả lời. Tôi đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại trường hợp của tôi.Trả lời
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre trả lời vấn đề này như sau:
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị UBND xã Hưng Lễ rà soát trường hợp phản ánh của ông Nguyễn Văn Thường. Kết quả, công việc chính của ông Thường là bồi mương thuê nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND ngày 13/8/2021 của UBND tỉnh Bến Tre về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Cán bộ của xã có đến gặp gỡ làm việc và giải thích cho ông Thường được rõ. Ngoài ra, gia đình ông Thường thuộc diện khó khăn, UBND xã đã có vận động gạo, nhu yếu phẩm khác (khẩu trang, bánh, trứng…) để hỗ trợ cho gia đình ông.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bến Tre đang trình UBND tỉnh dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung đối tượng hỗ trợ theo Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND ngày 13/8/2021 của UBND tỉnh, trong đó có đề nghị bổ sung “người làm thuê trong lĩnh vực trồng trọt: làm đất, bồi mương, làm cỏ, tỉa cành, phun xịt thuốc…”. Khi quyết định ký ban hành sẽ thông báo rộng rãi cho người dân biết để kê khai theo quy định. Khi đó, đề nghị ông Thường liên hệ với UBND xã Hưng Lễ để được hướng dẫn cụ thể.
-
Lê Văn Thuận
-13/12/2021 10:14
Công việc bốc vác có trong danh mục được hỗ trợ tại Bến Tre
Tôi làm công việc bốc vác, có làm đơn để xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong thời gian giãn cách xã hội, tuy nhiên ở ấp báo là tôi không đủ điều kiện nhận vì không nằm trong danh mục. Tôi xin hỏi lao động tự do là thế nào? Đề nghị cơ quan chức năng giải thích cho tôi được rõ.Trả lời
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre trả lời vấn đề này như sau:
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề nghị UBND xã Thành Triệu rà soát trường hợp của ông Thuận.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND ngày 13/8/2021 của UBND tỉnh Bến Tre quy định hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó có công việc bốc vác (tại các chợ, bến tàu, bến sông, bến xe, bến cảng, nhà kho).
Tuy nhiên trên thực tế, công việc bốc vác ở mỗi địa phương sẽ cụ thể đối với những ngành nghề khác nhau. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bến Tre đang trình UBND tỉnh dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung đối tượng hỗ trợ theo Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND ngày 13/8/2021 của UBND tỉnh, trong đó có đề nghị bổ sung lĩnh vực “người làm công việc bốc vác tại địa điểm khác theo thực tế của từng địa phương”.
Về trường hợp của ông Thuận, ông có đến gặp Trưởng ấp để xin mẫu đề nghị hỗ trợ, ông đã lập tờ khai theo mẫu và nộp lại cho Trưởng ấp. Sau khi nhận lại mẫu khai, Trưởng ấp phát hiện ông Thuận không ghi đầy đủ thông tin nên đã liên hệ với ông Thuận bằng điện thoại di động để yêu cầu bổ sung thông tin nhưng ông Thuận không nghe máy. Sau khi trao đổi với ấp Phước Lễ, UBND xã Thành Triệu đã yêu cầu Trưởng ấp liên hệ ngay với ông Thuận để bổ sung đầy đủ thông tin theo mẫu đơn và nộp về cho công chức Lao động – Thương binh và Xã hội của xã để xem xét.
-
Dương Thị Minh
-13/12/2021 10:13
UBND xã có trách nhiệm hướng dẫn làm hồ sơ hỗ trợ
Tôi buôn bán rau cải nhỏ lẻ tại chợ Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Tôi nghỉ bán từ ngày 23/6/2021 đến ngày 15/10/2021 để phòng chống dịch. Sau đó tôi đi bán lại cho đến nay. Vào khoảng giữa tháng 7/2021 có cán bộ ấp hướng dẫn làm thủ tục để nhận chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, đến nay mặc dù đã không còn giãn cách xã hội nhưng tiền hỗ trợ vẫn chưa thấy. Tôi xin hỏi, chính sách hỗ trợ này thời gian giải quyết là bao lâu?Trả lời
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh trả lời vấn đề này như sau:
Thực hiện Khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, UBND tỉnh Trà Vinh ban hành Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 13/7/2021 và Công văn số 4017/UBND-KT ngày 9/9/2021, đã xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác để hỗ trợ chính sách, trong đó có quy định ngành nghề “buôn bán rau cải” được hỗ trợ chính sách.
Do đó, trường hợp của bà Dương Thị Minh xin liên hệ đến UBND xã Đại An, huyện Trà Cú để được hướng dẫn làm hồ sơ giải quyết hỗ trợ chính sách theo Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 13/7/2021 của UBND tỉnh.
-
Nguyễn Đức Tiến
-13/12/2021 10:11
Làm bảo vệ cho công ty tư nhân có được hỗ trợ?
Bố vợ tôi năm nay 60 tuổi, làm bảo vệ cho một xưởng tư nhân nhưng phải nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch. Tôi là shipper cũng bị thất nghiệp. Theo trưởng ấp hướng dẫn thì gia đình tôi không đủ điều kiện để hỗ trợ. Tôi muốn hỏi, trưởng ấp hướng dẫn như vậy có đúng không?Trả lời
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Long An trả lời vấn đề này như sau:
Qua báo cáo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bến Lức, ông Nguyễn Đức Tiến đang ở nơi thường trú là Thành phố Hồ Chí Minh và làm shipper nên không có trong danh sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP. Cha vợ ông là Lý Đức Huy, sinh năm 1960 tạm trú tại ấp 1B, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, theo trình bày là làm bảo vệ cho công ty tư nhân tại xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, xã sẽ xác minh và có hướng dẫn cụ thể với trường hợp của ông Huy.
-
Phạm Quan Bảo Trâm
-13/12/2021 10:10
Chồng bà Phạm Quan Bảo Trâm (Long An) không có trong danh sách hỗ trợ
Tôi đang mang thai 5 tháng và nuôi con nhỏ 2 tuổi. Chồng tôi chạy xe ôm nhưng thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch. Gia đình tôi chưa nhận được hỗ trợ từ Nhà nước. Đề nghị cơ quan chức năng xem xét, hỗ trợ trường hợp của gia đình tôi.Trả lời
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Long An trả lời vấn đề này như sau:
Qua báo cáo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bến Lức, bà Phạm Quan Bảo Trâm hiện ở nhà giữ con nhỏ không đi làm, có chồng là Phan Hoàng Sang. Qua xác minh, chồng bà Trâm không chạy xe ôm nên không có tên trong danh sách xem xét hỗ trợ theo Quyết định số 6652/QĐ-UBND ngày 12/7/2021 của UBND tỉnh Long An về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do).