(Chinhphu.vn) – Từ ngày 22/7/2021, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ công bố và vận hành ĐƯỜNG DÂY NÓNG TRỰC TUYẾN hỗ trợ người dân gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng ĐỀ NGHỊ người dân gặp khó khăn, vướng mắc cấp thiết và các vấn đề phát sinh trong quá trình tiếp cận và thụ hưởng chính sách hỗ trợ, gửi phản ánh, kiến nghị đến Cổng Thông tin điện tử Chính phủ qua các hình thức:
- Gửi email tới địa chỉ: thongtinchinhphu@chinhphu.vn
-
Nhắn qua mục Email của fanpage Thông tin Chính phủ trên Facebook tại địa chỉ:
https://www.facebook.com/thongtinchinhphu -
Điền và gửi thông tin theo mẫu.
LƯU Ý: Nêu rõ nội dung kiến nghị, số điện thoại và địa chỉ nơi cư trú.
KHUYẾN KHÍCH phản ánh, kiến nghị giúp những người không thể thực hiện các hình thức liên hệ nêu trên. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị kịp thời chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
12 CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG GẶP KHÓ KHĂN DO COVID-19
(Theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ)
-
Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
-
Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất
-
Hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động
-
Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1/5/2021 đến hết 31/12/2021
-
Hỗ trợ người lao động ngừng việc
-
Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động
-
Chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em
-
Hỗ trợ tiền ăn đối với F0 và F1
-
Hỗ trợ một lần 3.710.000đ đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ, hướng dẫn viên du lịch
-
Hỗ trợ hộ kinh doanh 3.000.000đ/hộ từ ngày 1/5/2021 đến hết 31/12/2021
-
Hỗ trợ cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất
-
Hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác
Hỏi đáp | Tin tức
-
Nguyễn Thị Thắm
-28/05/2022 18:58
Cà Mau trả lời bà Nguyễn Thị Thắm về hỗ trợ mất việc làm
Tôi bị mất việc làm, không có thu nhập từ ngày 1/7/2021 do địa phương giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Theo tôi được biết, tôi thuộc đối tượng nhận hỗ trợ 1.500.000 đồng, nhưng đến nay tôi vẫn chưa được nhận. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết trường hợp của tôi.Trả lời
Về vấn đề này, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau trả lời như sau:
Trường hợp của Bà Nguyễn Thị Thắm, sinh năm 1968, hộ khẩu thường trú tại xã Tạ An Khương. Bà có vuông tôm tại ấp Đồng Giác, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi và sinh sống thường xuyên tại đây.
Trước thời điểm giãn cách xã hội thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg (tháng 7/2021), bà ở xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, thỉnh thoảng có đi bắt ốc bán tại xã Tân Thuận. Sau giãn cách xã hội, bà về sống chung với mẹ là bà Nguyễn Thị Lan tại xã Tạ An Khương. Trong thời gian này, bà không làm công việc gì, thời điểm này không thuộc quy định hỗ trợ theo các nhóm lao động không giao kết hợp đồng bị mất việc ảnh hưởng do COVID-19 như Quyết định số 1502/QĐ-UBND; Quyết định số 1712/QĐ-UBND của UBND tỉnh Cà Mau (hỗ trợ 1.500.000 đồng/người).
Đến khi thực hiện Quyết định số 3052/QĐ-UBND của UBND tỉnh Cà Mau hỗ trợ hộ kinh doanh, hoạt động các dịch vụ, ngành nghề có thu nhập thấp thì ấp Đồng Giác, xã Tân Thuận có liên hệ bà về làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ nhưng bà không về và thông báo bổ sung hồ sơ lần 2 thì bà cũng không làm đơn đề nghị.
Trường hợp của bà Nguyễn Thị Thắm thuộc đối tượng hưởng chính sách theo Quyết định số 3052/QĐ-UBND của UBND tỉnh Cà Mau hỗ trợ hộ kinh doanh, hoạt động các dịch vụ, ngành nghề có thu nhập thấp. Tuy nhiên, thời gian thực hiện Chính sách đã hết, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, phối hợp với chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ để gia đình của bà vượt qua khó khăn (nếu có).
-
Đỗ Thị Bích Diệp
-25/05/2022 17:18
BHXH Hà Nội trả lời vướng mắc về chứng nhận nghỉ việc cho F0
Trong tháng 3/2022, công ty tôi có 3 người lao động mắc COVID-19 (F0), sau khi tìm hiểu hướng dẫn làm thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm cho người lao động, tôi làm hồ sơ và gửi lên BHXH quận Thanh Xuân. Ngày 28/3, tôi gửi bộ hồ sơ làm chế độ ốm đau cho 3 lao động: Nguyễn Văn Thảo, Nguyễn Nam Phong, Hoàng Văn Khương. Đến ngày 3/4, tôi nhận được hồ sơ trả về với lý do, hồ sơ không hợp lệ do ngày ký trên Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH không trùng với ngày bắt đầu bị F0. Sau khi nhận lại hồ sơ, tôi đã gửi lại người lao động để đi xin lại Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Tuy nhiên chỉ có 1 trạm y tế xã đồng ý cấp lại cho người lao động với thời gian trùng với ngày bị nhiễm COVID-19, còn 2 trạm y tế không đồng ý cấp lại và cho biết trên Giấy chứng nhận có dấu cấp lại là đúng theo quy định. Ngày 20/4, tôi gửi lại bộ hồ sơ xin hưởng chế độ cho 3 lao động lên BHXH quận Thanh Xuân và chỉ 1 người được duyệt hồ sơ, 2 người lao động bị từ chối vẫn với lý do ngày ký trên Giấy chứng nhận không trùng với ngày bắt đầu bị F0. Tôi lại tiếp tục gửi hồ sơ cho 2 lao động đi xin lại thì chỉ có 1 người xin lại được Giấy chứng nhận nghỉ ốm với ngày ký trùng với ngày phát bệnh. Tính đến thời điểm hiện tại thì còn ông Nguyễn Văn Thảo chưa được giải quyết vì không xin được giấy nghỉ ốm với ngày ký trùng ngày phát bệnh. Căn cứ Thông tư số 56/2017/TT-BYT thì không có điều khoản nào quy định ngày trạm y tế ký phải trùng với ngày bắt đầu bị bệnh. Vì lý do gì mà hồ sơ của người lao động lại không được giải quyết và nếu chờ hướng dẫn từ các cơ quan cấp trên thì đến bao giờ mới nhận được câu trả lời? Hồ sơ nếu vượt quá 3 tháng là sẽ không còn hợp lệ. Tôi xin hỏi, vậy sau khi chờ được hướng dẫn và hồ sơ quá 3 tháng thì người lao động công ty toi có còn được giải quyết nữa không? Đề nghị sớm nhận được phản hồi sớm từ cơ quan có thẩm quyền.Trả lời
BHXH TP. Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:
BHXH là cơ quan thực hiện giải quyết các chế độ BHXH đối với người lao động theo Luật BHXH, Nghị định và các Thông tư ban hành hướng dẫn.
Tại Khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 26 Thông tư số 56/TT/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật BHXH thuộc lĩnh vực y tế có quy định trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó là cấp đầy đủ, kịp thời cho người lao động các loại giấy tờ làm căn cứ hưởng chế độ BHXH.
Tuy nhiên, trong tình hình dịch COVID-19 tăng cao, việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người lao động tại một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa thực hiện cấp đúng việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Trường hợp bà Diệp hỏi và có cung cấp chứng từ (bản chụp) của người lao động Nguyễn Văn Thảo ngày mắc COVID-19 là ngày 8/3/2022 đến ngày 14/3/2022, sau khi kiểm tra dữ liệu trên Cổng thông tin giám định BHYT do cơ sở khám chữa bệnh cấp thì chứng từ của ông Nguyễn Văn Thảo cung cấp là chứng từ cấp lần đầu, không phải cấp lại theo quy định tại Khoản 5, Điều 26 Thông tư số 56/2017/TT-BYT.
Việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cấp cho người lao động có ngày cấp không đúng với ngày người lao động bị mắc COVID-19 (cấp lùi ngày so với ngày người lao động bị ốm đau do mắc COVID-19), việc cấp lùi ngày cấp được ghi trên Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH là nội dung vướng mắc do chưa đúng quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT.
Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, BHXH Việt Nam đã báo cáo Bộ Y tế và ngày 2/3/2022, Bộ Y tế đã có Tờ trình số 279/TTr-BYT trình Chính phủ về việc giải quyết cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại cơ quan BHXH chưa nhận được hướng dẫn của Bộ Y tế.
Cơ quan BHXH không hướng dẫn người lao động đi xin cấp lại Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH mà hướng dẫn các đơn vị sử dụng lao động tập hợp các chứng từ của người lao động mà do các cơ sở khám chữa bệnh cấp chưa đúng (cấp lùi ngày so với ngày người lao động bị ốm đau do mắc COVID-19). Khi có văn bản hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, BHXH TP. Hà Nội sẽ thông báo đến các đơn vị sử dụng lao động nộp lại hồ sơ để thực hiện xét duyệt, giải quyết.
Về việc hồ sơ vượt quá 3 tháng, theo quy định tại Điều 102 Luật BHXH về việc giải quyết hưởng chế độ ốm đau thai sản thì trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động.
Do vậy, hồ sơ của người lao động công ty bà Diệp sẽ đủ điều kiện để giải quyết khi có văn bản hướng dẫn thực hiện của cơ quan có thẩm quyền.
-
Đinh Ngọc Phương
-24/05/2022 09:29
Điều kiện hộ gia đình hoạt động dịch vụ được xét hỗ trợ
Gia đình tôi làm nghề đánh bắt cá và mực ở biển. Từ khi bắt đầu đại dịch đến nay gia đình tôi không nhận được bất cứ khoản trợ cấp nào mặc dù các hộ lân cận đã được nhận 3.000.000 đồng. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết trường hợp của gia đình tôi.Trả lời
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau trả lời vấn đề này như sau:
UBND huyện U Minh đã chỉ đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với UBND xã Khánh Lâm xác minh làm rõ nội dung yêu cầu của bà Phương, xin được hỗ trợ hộ gia đình hoạt động đánh bắt thủy sản bị tạm dừng hoạt động.
Qua làm việc trao đổi với bà Đinh Ngọc Phương và bà Nguyễn Trang Nhung (mẹ của bà Phương), phân tích về tiêu chí xác định đối tượng được hỗ trợ theo Khoản 1 và 2, Điều 1 Quyết định số 3052/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh Cà Mau quy định tiêu chí xác định đối tượng hộ kinh doanh không phải đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh Cà Mau, hoạt động dịch vụ, ngành nghề có thu nhập thấp tính bình quân đầu người trong hộ dưới 1.500.000 đồng/người/tháng và tại Khoản 2, Điều 1 quy định về điều kiện hỗ trợ phải bị tạm dừng hoạt động liên tục trên 15 ngày trở lên do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19.
Theo trình bày của bà Đinh Ngọc Phương (hộ gia đình bà Phương) có thu nhập bình quân đầu người của gia đình là: 6.000.000 đồng/người/tháng. Đối chiếu theo quy định tại Khoản 1 và 2, Điều 1 Quyết định số 3052/QĐ-UBND, hộ gia đình bà Đinh Ngọc Phương, không đủ điều kiện được hỗ trợ hộ hoạt động dịch vụ có thu nhập thấp theo quy định và được bà Đinh Ngọc Phương, bà Nguyễn Trang Nhung (mẹ bà Phương), thống nhất và cam kết không yêu cầu khiếu nại về sau.
-
Bùi Thị Thanh Thủy q
-23/05/2022 09:00
BHXH Hà Nội làm rõ lý do trả lại hồ sơ của bà Bùi Thị Thanh Thủy
Tôi mắc COVID-19 ngày 15/2/2022, hoàn thành cách ly ngày 21/2/2022. Trạm y tế phường đã cấp cho tôi Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH với ngày ký là ngày 8/3/2022. Trên Giấy chứng nhận, Trạm y tế đã ghi rất rõ ngày tôi bị bệnh, đồng thời xác nhận ngày tôi được hưởng BHXH là ngày 15-21/2/2022. Ngày 11/3/2022, công ty tôi đã gửi hồ sơ hưởng chế độ ốm đau lên BHXH quận Đống Đa, nhưng hồ sơ bị trả về với lý do, chữ ký xác nhận của thủ trưởng đơn vị không được đóng dấu có chữ ký in sẵn. Trạm y tế phường đã hỗ trợ cung cấp lại Giấy chứng nhận cho tôi với chữ ký của Trưởng Trạm y tế. Sau khi hoàn thiện Giấy chứng nhận, công ty đã gửi lại hồ sơ lên BHXH quận Đống Đa vào ngày 1/4/2022. Tuy nhiên, hồ sơ tiếp tục bị trả về với lý do, ngày ký trên Giấy chứng nhận không trùng với ngày bắt đầu mắc COVID-19. Tôi đã tìm hiểu Thông tư số 56/2017/TT-BYT nhưng không thấy có điều khoản nào quy định ngày Trạm y tế ký phải trùng với ngày bắt đầu bị bệnh theo như giải thích từ người giải quyết hồ sơ của tôi. Theo quy định của BHXH Việt Nam, hồ sơ nếu vượt quá 3 tháng sẽ không còn hợp lệ. Tôi xin hỏi, trường hợp hồ sơ của tôi nếu quá 3 tháng vẫn trong tình trạng chờ BHXH quận Đống Đa giải quyết thì có còn hợp lệ không? Đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, có ý kiến phản hồi về trường hợp của tôi.Trả lời
BHXH TP. Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:
BHXH là cơ quan thực hiện giải quyết các chế độ BHXH đối với người lao động theo Luật BHXH, Nghị định và các Thông tư ban hành hướng dẫn.
Tại Khoản 1,2,3,4,5, Điều 26 Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật BHXH thuộc lĩnh vực y tế có quy định trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó là cấp đầy đủ, kịp thời cho người lao động các loại giấy tờ làm căn cứ hưởng chế độ BHXH.
Tuy nhiên, trong tình hình dịch COVID-19 tăng cao, việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người lao động tại một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa thực hiện cấp đúng việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, cụ thể:
- Việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cấp cho người lao động sử dụng con dấu khắc dấu chữ ký: Về nội dung này, BHXH TP. Hà Nội đã có Công văn số 922/BHXH-CĐBHXH ngày 18/3/2022 gửi Sở Y tế TP. Hà Nội chấn chỉnh các cơ sở khám chữa bệnh tuyệt đối không được dùng khắc dấu chữ ký của Thủ trưởng đơn vị để đóng trên Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Ngày 30/3/2022, Sở Y tế TP. Hà Nội có Công văn số 1438/SYT-NVY về việc chấn chỉnh các cơ sở khám chữa bệnh và yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc cho người lao động đúng theo quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT.
- Việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cấp cho người lao động có ngày cấp không đúng với ngày người lao động bị mắc COVID-19 (cấp lùi ngày so với ngày người lao động bị ốm đau do mắc COVID-19): Việc cấp lùi ngày cấp được ghi trên Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH là nội dung vướng mắc do chưa đúng quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT.
Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, BHXH Việt Nam đã báo cáo Bộ Y tế và ngày 2/3/2022 Bộ Y tế đã có Tờ trình số 279/TTr-BYT trình Chính phủ về việc giải quyết cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại cơ quan BHXH chưa nhận được hướng dẫn của Bộ Y tế.
Cơ quan BHXH cũng đã hướng dẫn các đơn vị sử dụng lao động tập hợp các chứng từ của người lao động mà do các cơ sở khám chữa bệnh cấp chưa đúng (cấp lùi ngày so với ngày người lao động bị ốm đau do mắc COVID-19). Khi có văn bản hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, BHXH TP. Hà Nội sẽ thông báo đến các đơn vị sử dụng lao động nộp lại hồ sơ để thực hiện xét duyệt, giải quyết.
Về nội dung hỏi, hồ sơ vượt quá 3 tháng có còn hợp lệ không: Theo quy định tại Điều 102 Luật BHXH về việc giải quyết hưởng chế độ ốm đau thai sản thì trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động. Do vậy, hồ sơ của bà sẽ đủ điều kiện để giải quyết khi có văn bản hướng dẫn thực hiện của cơ quan có thẩm quyền.
Việc bà Thủy phản ánh chính là hai nội dung vướng mắc nêu trên. Tuy nhiên, trong quá trình BHXH quận Đống Đa tiếp nhận hồ sơ của người lao động do đơn vị nộp, khi không giải quyết được, phải trả lại thì sẽ thực hiện ghi đầy đủ lý do và hướng dẫn cụ thể để người lao động biết và thực hiện, đây là thiếu sót của BHXH quận Đống Đa trong việc trả lại mà lý do chưa nêu đầy đủ.
Cơ quan BHXH sẽ tiếp thu và phản ánh lại với BHXH quận Đống Đa để nghiêm túc rút kinh nghiệm.
-
Trương Nhựt Mai Linh
-22/05/2022 15:16
Điều kiện hộ kinh doanh được hỗ trợ do ảnh hưởng dịch COVID-19
Gia đình tôi kinh doanh tạp hóa nhỏ lẻ, có đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký thuế. Do dịch COVID-19, gia đình tôi phải đóng cửa hàng từ ngày 19/7 đến ngày 6/9/2021, nhưng đến nay tôi vẫn chưa được nhận trợ cấp. Xin hỏi, tôi có được hỗ trợ khó khăn không?Trả lời
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời vấn đề này như sau:
Tại Khoản 19, Điều 1 Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg quy định điều kiện hỗ trợ đối với hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và có trong danh bạ của cơ quan thuế gồm: Có đăng ký kinh doanh và có trong danh bạ của cơ quan thuế; phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 hoặc do có địa điểm kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc phải áp dụng biện pháp không hoạt động, ngừng hoạt động theo Nghị quyết số 128/NQ-CP trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Tại Khoản 20, Điều 1 Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện đối với hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và có trong danh bạ của cơ quan thuế: Hộ kinh doanh gửi đề nghị hỗ trợ theo Mẫu số 11 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này đến UBND cấp xã nơi có địa điểm kinh doanh. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2022.
Đề nghị ông nghiên cứu các quy định nêu trên để thực hiện và liên hệ với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương hoặc UBND cấp xã nơi có địa điểm kinh doanh để được giải đáp cụ thể.
-
Võ Thị Hồng Yến
-20/05/2022 15:15
Xã An Phước lý giải việc chậm cấp Giấy nghỉ việc hưởng BHXH cho F0
Tôi xin hỏi, vì sao Phường 8, TP. Vĩnh Long cấp quyết định cách ly, giấy xác nhận hoàn thành cách ly và Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đối với người mắc COVID-19 (F0) rất nhanh chóng và chính xác, còn xã An Phước, huyện Mang Thít tôi phải đi đến 3 lần mới xin được đầy đủ giấy tờ cho người thân. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện thuận lợi hơn trong giải quyết thủ tục hành chính cho F0 điều trị tại nhà.Trả lời
Về vấn đề này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long trả lời như sau:
Ngày 23/3/2022, ông Nguyễn Tuấn Tài, sinh năm 1988 là người nhà bà Võ Thị Hồng Yến, địa chỉ: Xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, có đến Trạm y tế xã An Phước khai báo y tế là test nhanh dương tính với COVID-19 tại nhà và được cán bộ trạm y tế tư vấn hướng dẫn cách ly, điều trị tại nhà. Đồng thời Trạm y tế cũng tham mưu UBND xã An Phước ra quyết định cách ly y tế theo quy định.
Căn cứ Thông tư 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế về quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động lĩnh vực y tế, việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động cấp. Người hành nghề làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này được ký giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo phân công của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó.
Thời điểm sau khi hoàn thành cách ly ông Nguyễn Tuấn Tài có đến Trạm y tế xã An Phước để được cấp giấy nghỉ hưởng BHXH (C65) nhưng cùng thời điểm đó có 4 cán bộ của trạm Y tế bị nhiễm COVID-19 không đi làm được nên chậm trễ trong việc cấp giấy nghỉ hưởng BHXH (C65).
Ngay sau khi cán bộ Trạm Y tế hoàn thành thời gian cách ly đi làm việc lại có tiếp nhận và đã cấp giấy nghỉ hưởng BHXH (C65) cho ông Tài đúng theo quyết định và giấy hoàn thành cách ly theo dõi điều trị F0 tại nhà.
Qua sự việc phản ánh này, Trạm Y tế xã An Phước đã ghi nhận và sẽ thực hiện tốt trong việc cấp giấy nghỉ BHXH cho người dân trong thời gian tới.
-
Đào Diệu Hiền
-19/05/2022 14:26
Cà Mau: Chấn chỉnh cán bộ phường 9 chậm trễ chi hỗ trợ người lao động
Tôi làm việc tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Quốc Hưng. Công ty tôi đã nộp hồ sơ trợ cấp cho người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương do ảnh hưởng đại dịch COVID-19. Hồ sơ của tôi đã được xử lý hoàn thành ngày 20/1/2022, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, trả lời trường hợp của tôi.Trả lời
Về vấn đề này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau trả lời như sau:
Trường hợp của bà Đào Diệu Hiền, nhân viên Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Quốc Hưng thuộc đối tượng được hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không lương do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 và được phê duyệt trong danh sách tại Quyết định số 131/QĐ-UBND ngày 19/1/2022 của UBND tỉnh.
Tại thời điểm chi hỗ trợ (tháng 1/2022), do sơ suất, UBND Phường 9 chưa liên hệ kịp thời để thông tin bà Đào Diệu Hiền đến nhận tiền. Đến ngày 26/4/2022, UBND Phường đã chi hỗ trợ cho bà Đào Diệu Hiền với số tiền 3.710.000 đồng theo quy định.
UBND TP. Cà Mau đã nhắc nhở Chủ tịch UBND Phường 9 nghiêm túc chấn chỉnh trong thực hiện nhiệm vụ.
-
Lê Minh Tài
-19/05/2022 08:48
TPHCM: Người đang đóng BHXH không thuộc diện hỗ trợ đợt 3
Tôi đã đăng ký với tổ dân phố để nhận hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP trong thời gian bị ảnh hưởng dịch COVID-19, tuy nhiên đến nay tôi vẫn chưa nhận được. Đề nghị chính quyền kiểm tra việc chậm trễ trong chi trả hỗ trợ.Trả lời
Về vấn đề này, UBND phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TPHCM trả lời như sau:
Điều 1 Nghị quyết số 97/NQ-HĐND ngày 22/9/2021 của HĐND TPHCM về chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM (đợt 3) nêu rõ 4 trường hợp không hỗ trợ, gồm:
- Người đang hưởng lương hưu;
- Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động;
- Người đang tham gia BHXH;
- Người lao động được doanh nghiệp trả lương của tháng 8/2021.
Theo kết quả khảo sát của khu phố thì ông Lê Minh Tài là công nhân Công ty Phát triển công nghệ phần mềm Quang Trung, có tham gia BHXH nên không được hưởng trợ cấp đợt 1, 2 và đợt 3.
Đề nghị ông Lê Minh Tài liên hệ BHXH để được giải quyết chi trả hỗ trợ.